News & events

News & events

LỐP XE Ô TÔ VÀ NHỮNG THÔNG SỐ TÀI XẾ CẦN BIẾT

  • Monday , Date 13/04/2020
  • Lốp là một trong những bộ phận quan trọng nhất của xe, nó ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống lái và khả năng vận hành của xe. Nếu lâu ngày không bảo dưỡng và kiểm tra lốp đúng cách, đây sẽ là mối nguy hiểm thường trực mỗi khi bạn vận hành xe.

    Đầu tiên, bạn cần hiểu lốp xe có cấu tạo như thế nào và thành phần nào là quan trọng nhất. Từ đó bạn mới có thể nắm được tầm quan trọng và hiểu được các ý nghĩa được ghi trên lốp, cụ thể về loại lốp mình dùng là gì và làm sao để nó luôn hoạt động đúng với yêu cầu của nhà sản xuất. 

    Cấu tạo

    Cấu tạo của lốp xe ô tô

    Bread (Tanh lốp): Thanh kim loại giúp kẹp lốp vào mâm xe một cách chắc chắn, ngăn chặn hơi thoát ra ngoài.

    Sidewall (Hông lốp): cấu trúc hông tạo độ chắc chắn cho lốp, hông lốp càng cao xe đi càng êm. Đây cũng là nơi hiển thị thông số lốp sẽ được đề cập ở phần sau.

    Airtight Rubber (cao su làm kín khí): khi bạn bơm lốp, sức nén bên trong lốp là cực kỳ lớn để lốp có đủ sức nâng chiếc xe gần 2 tấn. Lớp này rất bền và có tác dụng chặn dòng khí xì ra ngoài.

    Carcass ply (lớp bố thép): cấu tạo từ các sợi thép mỏng được dệt bên trong lốp, lớp này có tác dụng kết nối các thành phần cấu trúc và tạo độ bền cho lốp.

    Tread (gai lốp): là phần quan trọng nhất, gai lốp tiếp xúc trực tiếp với mặt đường và chịu nhiệt rất cao. Đây cũng là lớp cần được bảo trì bảo dưỡng thường xuyên

    Crown Plies (lớp bố đỉnh): đây là phần đế của gai lốp, tạo độ ổn định ly tâm và độ uốn cong khi bánh xe quay.

    Đây là những thành phần chính cấu tạo nên một chiếc lốp xe thông thường, nếu bạn chơi xe Offroad với các bộ lốp MT, hoặc lốp để đi đường tuyết thì chúng sẽ có cấu tạo nhiều lớp hơn như vậy.

    Thông số lốp và ý nghĩa

    Các ký hiệu thường gặp trên lốp xe ô tô

    Bên cạnh cấu tạo của lốp, bạn cũng cần nắm rõ thông tin về các chỉ số in trên lốp để có thể chọn đúng loại lốp phù hợp với xe của bạn khi thay thế. Trong một “rừng” các thông tin trên, có một số thông số quan trọng bạn cần lưu ý khi mua lốp gồm:

    Ký hiệu 205 (có thể thay đổi tùy loại xe): mang thông tin về chiều rộng lốp, khi mua lốp mới bạn cần đảm bảo con số này đúng với yêu cầu của nhà sản xuất

    Ký hiệu 15 (có thể thay đổi tùy loại xe): mang thông tin về đường kính mâm xe của nhà sản xuất. Nếu bạn muốn “lên” mâm, bạn phải thay đổi luôn lốp có chiều rộng tương thích với mâm đó, mục đích là để bánh xe khi hoạt động không bị cọ vào hốc bánh.

    Ký hiệu V: hiển thị thông tin tốc độ giới hạn của lốp xe. V tương đương 240km/h. Thông thường xe sedan gia đình có ký hiệu từ ký tự S (180km/h), T (190km/h), U (200km/h), H (210km/h) … cho đến ký tự Y ( >300km/h)

    Ký hiệu 91: Tải trọng tối đa cho phép xe có thể chở, bạn có thể tham khảo bảng dưới đây để nắm rõ lốp xe mình chở được bao nhiêu kg.

    Các ký hiệu có trên lốp xe ô tô

    Cách chăm sóc lốp

    Ngoài việc phải tuân theo các thông số lốp của nhà sản xuất để lốp xe có tuổi thọ cao và luôn đảm bảo độ an toàn, thì bạn cũng phải thực hiện các bước sau đây thường xuyên để chăm sóc lốp tốt nhất.

    Thường xuyên kiểm tra bằng mắt thường để phát hiện các vết nứt hoặc rách trên lốp, kiểm tra lốp được bơm với độ căng đúng theo tiêu chuẩn. Nếu bạn bơm quá căng sẽ dễ gây hiện tượng tưng, sốc, mất an toàn khi thắng, ngược lại nếu lốp thiếu hơi xe sẽ khó điều khiển hoặc mất cân bằng khi di chuyển tốc độ cao.

    Bảo dưỡng lốp xe thường xuyên để nâng cao tuổi thọ lốp xe

    Trường hợp để lâu ngày không kiểm tra lốp, các bánh xe sẽ mòn không đều và rất nguy hiểm khi đi trên cao tốc. Lốp cần được kiểm tra khi nguội, vì lúc nóng, cao su và không khí bên trong bị giãn nở, kết quả sẽ không chính xác, thông thường lốp cần 4 tiếng để nguội nên tốt nhất bạn hãy kiểm vào lúc sáng trước khi sử dụng xe. 

    Bên cạnh đó luôn chuẩn bị một đồng hồ đo áp suất trong xe và thường xuyên sử dụng chúng để kiểm tra hơi trong lốp, thông tin về áp suất sẽ được ghi trên cửa phía tài xế. Khi bạn bơm bánh xe, hãy yêu cầu nhân viên xe bơm 4 lốp đều nhau, tránh tình trạng chênh lệch áp suất.

    Khi phát hiện bánh xe mòn không đều nhưng áp suất lốp đã ổn định thì bạn nên nghĩ ngay đến độ chụm bánh xe có vấn đề và mang xe đến  gara để cân chỉnh lại bộ phận này. Ngoài việc làm mòn lốp xe, dấu hiệu độ chụm bánh xe bị lệch là làm xe rung lắc khi di chuyển tốc độ cao. Ngoài ra, kinh nghiệm để lốp luôn hoạt động hoàn hảo là đảo lốp xe sau mỗi 5.000km. Có 4 cách đảo lốp cho từng loại xe:

    • 1,2: Áp dụng cho tất cả các xe

    • 3: Áp dụng cho xe dẫn động cầu trước

    • 4: Áp dụng cho xe dẫn động cầu sau hoặc dẫn động 4 bánh

    Khi lốp xe đã sử dụng nhiều, bạn nên kiểm tra vạch chỉ thị độ mòn để xác định khi nào nên thay lốp. Vạch này là những chấm nằm trong các rãnh lốp hoặc ký hiệu tam giác nằm bên mép lốp, nếu vỏ mòn và chạm đến những điểm này thì cũng là lúc bạn cần thay vỏ mới.

    Kinh nghiệm

    Luôn chuẩn bị những dụng cụ cần thiết trong xe ô tô

    Luôn chuẩn bị một máy bơm bánh trong xe để tiết kiệm thời gian dừng xe thay lốp nếu bạn bị cán đinh, ngay cả khi xe bạn dùng lốp Runflat thì việc đảm bảo bánh luôn có hơi sẽ giúp lốp Runflat không bị đè nén lâu bởi mâm xe, trong quá trình bạn di chuyển đến chỗ vá, tránh việc giảm tuổi thọ của lốp Runflat. Nếu là xe đời cũ, việc chi 2 – 3 triệu để lắp cảm biến áp suất lốp là không hề thừa thải, vì nếu lốp bị xẹp mà chủ xe không để ý, vẫn chạy tiếp tục thì sau 5 – 10km, thành lốp hư hỏng hoàn toàn là điều khó tránh khỏi, đặc biệt trên cao tốc thì tình huống này là cực kỳ nguy hiểm.

    Hiểu được lốp và chăm sóc nó đúng cách sẽ giúp bạn tiết kiệm khá nhiều chi phí thay lốp mới và lốp luôn trong tình trạng hoàn hảo để đảm bảo độ an toàn khi di chuyển trên đường.

    News & events
    GENERAL NEWS & LATEST EVENTS FROM US.
    TOP